Review phim Run On (JTBC 2020): Mãn nhãn về visual, nhưng nội dung có thật sự hấp dẫn?

Hy vọng mọi người không vì những bài chê bai Run On trên một số trang mạng xã hội và thông tin điện tử khác, mà bỏ qua bài viết review phim Run On – Bước Chạy Đến Trái Tim của The Tiny Soul. ^^ Ngay từ khi chưa phát sóng, Run On đã không mang đến cho mình nhiều kỳ vọng. Dường như chính vì vậy, mình cũng không thất vọng quá nhiều, khi bộ phim đi qua những tập đầu tiên.

Run On là drama mới nhất của anh chàng đẹp hơn hoa Im Siwan sánh đôi cùng cô nàng xinh gái Shin Se Kyung, được chiếu vào tối thứ 4 – 5 trên đài JTBC cùng nền tảng Netflix, kế thừa khung giờ của bộ phim Private Lives trước đó.

Im Siwan luôn được các cô nàng fangirl chào đón, bởi vẻ ngoài điển trai đi kèm tài năng diễn xuất ấn tượng. Ngược lại, Shin Se Kyung thường bị nhiều mọt phim Hàn nói chung và fan của diễn viên nam nói riêng “xua đuổi”, vì phong cách diễn xuất chưa thật sự tương đồng với visual.

Tuy nhiên, mình thấy fan của Im Siwan “nice” vô cùng, ít nhất là fanpage của anh chàng tại Việt Nam, khi luôn ủng hộ bạn diễn của Siwan, dù đó là ai đi nữa. Đây là điều không phải fanpage diễn viên nào cũng làm được. Chính vì thế, vốn đã có cảm tình với Siwan, fan còn khiến mình thích anh nhiều hơn một chút.

Review phim Run On

Phim Run On hội tụ dàn trai xinh gái đẹp

Reivew phim Run On: Diễn viên đẹp, nội dung nhẹ nhàng nhưng còn hơi…chán

Nếu không đặt nhiều kỳ vọng vào Run On, có thể bạn cũng như mình, thấy phim không đến nỗi nào. Tất nhiên bộ phim này vẫn còn vô số khiếm khuyết và chưa thể lọt vào mắt xanh của những người khó tính. Thế nhưng, nếu là fan của những bộ phim tình cảm nhẹ nhẹ nhàng nhàng, có thể Run On sẽ đánh trúng gu của bạn.

Những điểm cộng của Run On

Run On khởi đầu với rating khiêm tốn. Điều này có thể dự đoán trước với một drama lãng mạn được chiếu vào khung giờ giữa tuần trên đài cap. So với bộ phim tiền nhiệm, Run On cũng hơi kém cạnh về mức độ phổ biến ở cộng đồng quốc tế. Bởi dù được chiếu trên Netflix, nhưng cá nhân mình thấy phim không được bàn luận nhiều giống như Private Lives. Tuy nhiên bù lại, phim có vẻ được quan tâm khá nhiều tại quê nhà, cũng như nhận được phản ứng tương đối tích cực, trái ngược với phản ứng của cư dân mạng ở Việt Nam. ^^

Vì được dân Hàn đưa ra phản hồi tốt như thế, nên The Tiny Soul cũng phải điểm qua những điểm cộng của Run On chứ nhỉ:

Nội dung nhẹ nhàng nhưng vẫn…deep

Điều khiến mình ít trông đợi vào Run On là phần nội dung được giới thiệu vừa đơn giản, vừa quen thuộc đến mức nhàm chán. Câu chuyện tình giữa một cựu vận động viên điền kinh (Ki Seon Gyeom) và một cô nàng phiên dịch (Oh Mi Joo) – hai con người xa lạ và trái dấu, sau một khoảng thời gian khép kín trong thế giới của riêng mình. Vì khác nhau, nên dù đều là người Hàn, họ lại nói những “ngôn ngữ” riêng biệt. ^^ Bộ phim chính là hành trình họ rút ngắn khoảng cách với đối phương, chữa lành những tổn thương và hướng đến một “ngôn ngữ” chung duy nhất.

Nội dung phim Run On

Phim là hành trình các nhân vật chính rút ngắn khoảng cách với đối phương

Nội dung chính của Run On không có nhiều đột phá so với dòng phim lãng mạn của Hàn Quốc. Loveline giữa hai người không ăn nhập về tính cách lẫn lý tưởng ban đầu cũng được vô vàn phim Hàn khai thác trước đây. Tuy nhiên, chính vì phim nhẹ nhàng và mang đến cảm giác “chữa lành”, nên có thể giúp người xem tìm thấy sự cân bằng khi thưởng thức. Đồng thời, nhiều câu thoại trong phim cũng khá “deep”, khiến bạn phải gật gù tâm đắc khi xem.

Đặc biệt, nhân vật chính của phim là anh chàng vận động viên nổi tiếng nhưng vẫn mãi về nhì, và cô nàng phiên dịch bình thường, tuy tài năng nhưng vẫn mãi chật vật trong công việc. Vận động viên và phiên dịch viên là 2 ngành nghề khá hiếm trên màn ảnh nhỏ xứ Hàn. Vì vậy, có thể coi đây là một điểm nhấn mới mẻ của Run On, so với nhiều bộ phim truyền hình khác hiện nay.

Nam chính trong phim là một vận động viên điền kinh

Nam chính trong phim là một vận động viên điền kinh

Run On khiến mình liên tưởng đến bộ phim “Because It’s My First Life” và một chút vibe của “Be Melodramatic”. Plot của phim chẳng có gì thần thánh, nhưng với chất liệu giản dị, mình nghĩ Run On vẫn có thể thỏa mãn nhu cầu xem phim của một vài nhóm khán giả nhất định.

Diễn xuất của Im Siwan

Trong dàn diễn viên của Run On, Im Siwan là cái tên bạn có thể đặt niềm tin tuyệt đối vào khả năng diễn xuất. Dù sở hữu chiều cao không quá lý tưởng, lại có khuôn mặt “trẻ thơ”, nhưng nhờ body “phụ huynh”, Im Siwan vẫn thể hiện tốt thần thái của một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp.

Nhân vật của Im Siwan trong Run On khá… kỳ quặc. Dù cũng là anh chàng nam chính trong ấm ngoài lạnh – hình mẫu “truyền thống” trong drama Hàn, nhưng Ki Seon Gyeom còn mang nét “điên ngầm”. Sự kỳ quái trong tính cách nhân vật Ki Seon Gyeom là một điều khó giải thích. Tuy nhiên, mình vẫn phải công nhận rằng Im Siwan đã khắc họa thành công sự kỳ quái này và khiến nó trở thành một yếu tố thu hút khán giả.

Nếu đi “hóng hớt” review phim Run On, bạn sẽ thấy những câu cảm thán kiểu “Ki Seon Gyeom thật kỳ cục, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại thích điều này” vô cùng phổ biến. ^^

Ki Seon Gyeom làm một nhân vật kỳ cục

Ki Seon Gyeom làm một nhân vật kỳ cục

Các nhân vật trong Run On có “background” quen thuộc, cũng giống như các phim truyền hình khác vậy thôi. Thế nhưng, họ lại được xây dựng tính cách độc đáo, bên cạnh sự điên khùng lạ lùng của Ki Seon Gyeom, cả Oh Mi Joo (Shin Se Kyung), Seo Do Ah (Soo Young) lẫn Yeong Hwa (Kang Tae Oh) đều sở hữu những cá tính thú vị riêng biệt. 

Chemistry giữa dàn diễn viên chính

Chemistry giữa Im Siwan và Shin Se Kyung “bắn tung tóe” từ phim cho đến hậu trường. Thậm chí trong Behind The Scenes, mình thấy sự tương tác giữa họ còn ngọt ngào hơn trong phim. Một phần có lẽ cũng do đến thời điểm hiện tại, loveline của họ trong Run On mới chỉ chớm nở, nên chưa có nhiều phần cảnh “cẩu lương”. 

Im Siwan đẹp trai, Se Kyung thì xinh gái, nên hai người chỉ cần xuất hiện cùng nhau đã gây bùng nổ về mặt visual. Tương tự, chemistry giữa cô nàng CEO Soo Young và anh chàng sinh viên nghệ thuật Kang Tae Oh cũng là một yếu tố đáng mong chờ trong phim. Đặc biệt, tương tác giữa hai chị đại Se KyungSoo Young đáng yêu lắm đấy nhé!

Chemistry là một điểm nhấn của Run On

Chemistry là một điểm nhấn của Run On

Những điểm trừ đáng tiếc

Tuy sở hữu nhiều điểm cộng để níu chân người xem, nhưng Run On vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Đây có thể chính là nguyên nhân khiến phim bị chê bai ở Việt Nam và nhận được rating khiêm tốn ở bên Hàn:

Nhiều tình tiết lỗi thời vẫn được sử dụng

Một anh chàng bên ngoài đẹp trai, bên trong nhiều tiền, xuất thân từ một gia đình quyền quý: bố làm nghị viên, mẹ làm diễn viên nổi tiếng. Anh dường như có tất cả, nhưng lại không thân thiết với gia đình đến mức luôn phải nói với người khác “tôi không có nhà”. Đồng đội của anh phần đông cũng là những người thường xuyên đố kỵ và ganh ghét, nên anh sở hữu nhiều nỗi lòng chẳng biết tỏ cùng ai. Đây chính là background của nhân vật nam chính Ki Seon Gyeom, và ở trong Kdramaland, background này đã hoàn toàn cũ rích. 

Background của nam chính không có gì mới lạ

Background của nam chính không có gì mới lạ

Nhiều lúc mình tự hỏi phim Hàn không thể xây dựng những nhân vật chính có xuất thân bình thường hơn được hay sao. Lúc nào cũng là những anh chàng nhà giàu nhưng thiếu thốn sự đồng cảm và yêu thương, vô tình khiến người xem hình thành định kiến rằng tầng lớp thượng lưu đều là những người nhiều tiền và thiếu thốn tình cảm. Cũng may mình là đứa thích tiền, nên nam chính có xuất thân giàu có vẫn hợp gu mình lắm. 😀

Bên cạnh đó, nhiều tình tiết của Run On cũng mang nặng tính “truyền thống” của drama Hàn. Trên đường đời tấp nập, nam nữ chính vô tình va vào nhau, nam chính vô tình cầm nhầm món đồ quan trọng của nữ chính và sau đó, họ lại vô tình làm việc với nhau như định mệnh đã sắp đặt. Cảnh kiss ở cuối tập 2 với lời tuyên bố “Cô ấy chính là bạn gái của tôi” từ Ki Seon Gyeom vừa sến, vừa lỗi thời, vừa có chút gượng ép. Dù không thể phủ nhận rằng đây chính là một phân đoạn quan trọng, tạo nên bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Seon GyeomMi Joo.

Cảnh kiss ở cuối tập 2 có chút lỗi thời

Cảnh kiss ở cuối tập 2 có chút lỗi thời

Trong các tập đầu tiên của phim, một số cảnh được biên tập chưa khéo, đem lại cảm giác nhàm chán khó chịu. Nhiều tình tiết gây hài lẽ ra có thể đem lại tiếng cười cho người xem, nhưng vì chưa được làm tới, nên cuối cùng chỉ khiến mình cảm thấy kỳ cục. Hy vọng khâu đạo diễn và biên tập của bộ phim sẽ làm tốt hơn trong những tập sắp tới.

Diễn xuất của Shin Se Kyung vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục

Nhiều người quyết định không xem Run On chỉ vì Shin Se Kyung – nữ diễn viên sở hữu những biệt danh đi liền chữ “đơ” chẳng mấy hay ho. Điểm bất lợi đối với Se Kyung trong vai trò diễn viên chính là khuôn mặt xinh đẹp, nhưng các đường nét lại đơ cứng một cách bẩm sinh, nên gặp khó khăn khi biểu cảm. Nhiều cảnh trong phim, Se Kyung vẫn diễn chưa trọn vẹn, thậm chí còn hơi vô hồn với phần phản ứng nhạt nhẽo.

Cả Se Kyung lẫn một vài nữ diễn viên khác, thường là idol đá chéo sân như cô nàng Seolhyun trong Awaken luôn có thói quen mở khuôn miệng ở mọi lúc mọi nơi, mọi phân cảnh. Đây là thói quen hoàn toàn “vô dụng” và với mình, nó chỉ thể hiện sự yếu kém trong việc biểu cảm mà thôi. Bên cạnh cơ mặt thiếu linh hoạt, cách đài từ nhả thoại của Se Kyung cũng có phần cứng nhắc.

Diễn xuất của Se Kyung trong Run On chưa thuyết phục 100%, nhưng mình thấy không cũng chẳng đến mức tệ hại như mọi người chê bai trên mạng. Mình vẫn có thể xem những phân cảnh của Mi Joo, vẫn thấy các phân đoạn của Mi JooSeon Gyeom ngọt ngào, đủ để khiến những con tim nhỏ bé rung rinh. ^^

Diễn xuất của Shin Se Kyung chưa hoàn toàn thuyết phục

Diễn xuất của Shin Se Kyung chưa hoàn toàn thuyết phục

Dù không thích diễn biến tạo ra cảnh kiss ở cuối tập 2, nhưng mình thấy phản ứng của Se Kyung trong phân đoạn này cũng bình thường như cân đường hộp sữa. Thế nên mình hơi ngạc nhiên khi nhiều người xem đoạn cut của cảnh này, rồi không ngớt lời chê bai Se Kyung. Cũng đâu tệ đến mức đấy đâu nhỉ?

Kết:

Thực ra phim Hàn phải đi qua 1/2 hoặc 2/3 số tập mới biết phim hay dở thế nào. Run On mới chỉ chiếu vài tập đầu tiên, nên còn quá sớm để nhận định về sức hút của bộ phim này. 

Tuy nhiên, tựu chung lại, đây là drama phù hợp với những ai yêu nhẹ nhàng, ghét “cẩu huyết” và có niềm “đam mê bất tận” với cái đẹp. Phim không chỉ đẹp về visual, mà còn đẹp ở nhiều câu thoại. Những cuộc trò chuyện giữa các nhân vật trong phim cũng “deep deep”, chứ không nhạt nhẽo như nhiều drama khác. Dù vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện, nhưng đây cũng là một điểm cộng to đùng, đủ thuyết phục bạn thử xem bộ phim này rồi chứ?

Đừng quên đọc thêm nhé: Top 5 phim truyền hình Hàn Quốc hay nhất năm 2020

Share this

You may also like...