Review phim Law School (JTBC 2021): Phim về trường luật có gì hay?

Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ bài viết review phim Hàn gần đây nhất của The Tiny Soul, cho đến hôm nay mình mới có thể quay trở lại với bài viết review phim Law School – một bộ phim lấy đề tài luật sư làm chủ đạo, nhưng sở hữu góc tiếp cận mới mẻ hơn so với những drama tiền nhiệm cùng chủ đề.

Vẫn như mọi khi, một phần vì bận, một phần vì lười, phần nữa vì không có hứng xem phim và viết cảm nhận, nên mình mới nghỉ viết hơi hơi lâu như thế. May mắn là, cuối cùng, mình đã không bỏ dở chuyên mục review phim trên chiếc blog nhỏ nhỏ xinh xinh này, dù đôi khi đã nghĩ về chuyện đó. ^^

Quay trở lại với Law School, trong những drama được lên sóng trong tháng 4 năm 2021, thực ra ban đầu mình không quan tâm bộ phim này lắm. Lên Twitter thấy nhiều bạn cứ nói về Law School, phim lại có ngay trên Netflix nên mình mới tò mò xem thử. Xem rồi mới thấy, phim về luật mà cũng cuốn phết chứ đùa.

Poster phim Law School

Poster phim Law School

Nhiều người có hứng thú với Law School bởi vì chàng trai đẹp hơn hoa – Kim Bum. Còn mình ban đầu bị phim hút bởi cái vibe cứ giông giống Conan – bộ truyện trinh thám tuổi thơ của mình (đến giờ gần 30 rồi vẫn thích, chỉ là không cuồng như trước nữa thôi ^^). Đồng thời, đây còn là một trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc hiếm hoi lấy bối cảnh chính ở trường đại học. Tuy nhiên, sau vài tập đầu, mình đã ngay lập tức bị “đốn gục” bởi giáo sư Yang “triết gia” lạnh lùng và đanh thép. Không quá khi nói rằng, Kim Kyung Min trong vai giáo sư Yang chính là linh hồn của bộ phim này.

Rating của Law School không cao lắm, chỉ dao động trong khoảng 4 – 5%, tương đương với những tác phẩm trước đây (chẳng hạn Sisyphus: The Myth) trong cùng khung giờ. Cá nhân mình cho rằng rating phim khó lòng bứt phá trong những tập phim tiếp theo, bởi chủ đề về luật cũng tương đối khó nhằn để theo dõi. Thế nhưng, vẫn mong manh một hy vọng rằng Law School sẽ có thêm nhiều cao trào trong các tập sắp tới, để cải thiện thành tích về rating và giữ vững thứ hạng trên nền tảng Netflix quen thuộc.

Các nhân vật chính trong phim

Các nhân vật chính trong phim

Review về Law School: Một chút trinh thám, nhiều chút luật, một chút căng thẳng và một xíu dễ thương

Một bộ phim lấy bối cảnh ở trường đại học không có nghĩa đây là bộ phim thanh xuân vườn trường với những mối tình trong trẻo nhưng dang dở nửa vời. Law School là minh chứng cho điều đó.

Phim xoay quanh cuộc sống của một nhóm sinh viên trường đai học Luật Hankook – một trong những trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc. Đọc đến đây, chắc hẳn nhiều người cứ ngỡ Law School sẽ giống như bao bộ phim thanh xuân khác ngoài kia, sẽ nói về chuyện học, chuyện nghề, chuyện yêu rồi đến lý tưởng sống của từng người trẻ. Thế nhưng, Law School không chỉ có vậy.

Điểm cộng đầu tiên: Vụ án căng thẳng xuyên suốt, bất kỳ ai cũng có thể là “người xấu”

Chưa kịp cảm nhận vibe ngọt ngào tươi sáng của một bộ phim thanh xuân, Law School đã bắt đầu bằng một vụ án xảy ra ngay trong phiên tòa giả định của nhóm sinh viên đại học luật Han Kook. Một giáo sư (Seo Byung Joo) bị sát hại, biến những người còn lại, bao gồm cả giáo viên lẫn sinh viên trở thành nghi phạm hàng đầu. Bắt đầu từ giáo sư Yang triết gia rồi đến Han Joon Hwi (Kim Bum), qua mỗi tập, nghi phạm của vụ án lại được đẩy qua người khác.

Chính vì không biết ai mới là hung thủ thật sự đằng sau, nên Law School bỗng dưng trở thành bài toán đi tìm hung thủ giống như bộ truyện Conan đình đám. Thế nhưng, mình cũng e ngại rằng, nếu tuần nào Law School cũng hướng khán giả đến một nghi phạm mới, thì liệu bộ phim có bị rơi vào vòng lặp nhàm chán hay không, nhất là khi người xem luôn mong đợi những “món ăn” hấp dẫn hơn thế.

Ai cũng đáng nghi, ai cũng có thể là hung thủ

Ai cũng đáng nghi, ai cũng có thể là hung thủ

Dường như vụ án này sẽ xuyên suốt Law School, đồng thời là điểm xuất phát ban đầu để những câu chuyện quan trọng bên lề được hé lộ. Chỉ trong vài tập đầu, nhiều vụ án khác cũng được đề cập và phanh phui, mang đến cho khán giả những bất ngờ thú vị. Do vậy, mình mong rằng bên cạnh việc tìm ra chân tướng thủ phạm đã giết giáo sư Seo Byung Joo, Law School không quên khai thác những mặt tối khác liên quan đến hệ thống luật pháp, trường học và xã hội Hàn Quốc.

Có lẽ sự kiện tên tội phạm ấu dâm trong phim Hope ra tù đã làm rúng động xã hội Hàn Quốc, nên nhiều phim dạo gần đây cũng đề cập đến sự kiện này theo nhiều cách khác nhau. Từ Mouse, Taxi Driver cho đến Law School đều có nhân vật hoặc chi tiết lấy nguyên mẫu từ tên tội phạm biến thái Choi Doo Soon và mình cũng đang trông chờ xem ở Law School, nhân vật này sẽ có kết cục thích đáng ra sao, khi dường như hắn cũng đóng vai trò quan trọng trong diễn biến của phim.

Điểm cộng thứ 2: Khai thác vấn đề luật pháp qua những bài giảng thú vị

Là một bộ phim về sinh viên nên tất nhiên, những bài học trên giảng đường là chi tiết không thể thiếu trong Law School. Dù ngập tràn từ ngữ chuyên ngành “khó nuốt”, lại được đề cập nhanh – gọn – lẹ khiến hầu hết khán giả đều gặp khó khăn để nắm bắt nội dung, nhưng không thể phủ nhận rằng các bài giảng trong phim lại thú vị theo một phong cách riêng biệt.

Khi giáo sư Yang triết gia và Kim Eun Suk (Lee Jung Eun) đứng lớp, nhiều vụ án với tình tiết quen thuộc đã được đề cập và phân tích, mang đến những cái nhìn đa chiều cả về khía cạnh lý và tình. Qua đó, khán giả sẽ hiểu vì sao trong một vài vụ án, dù nghi phạm có tội, nhưng họ lại được giảm án hoặc thoát khỏi hoàn toàn tội danh. Nghe thôi đã thấy “tức tím người” rồi nhỉ? Một cách “điều khiển” cảm xúc của khán giả hay ho đấy chứ?

Những bài giảng của giáo sư Yang triết học

Giáo sư Yang triết gia luôn đề cập đến nhiều vụ án thực tế trong bài giảng của mình

Dù hơi sa đà vào yếu tố trinh thám và luật pháp, nhưng Law School không quên đề cập chuyện học hành của sinh viên trường luật. Những giờ học căng như dây đàn, những kì thi khiến mọi người lo lắng đến nghẹt thở hay cuộc chiến điểm số âm thầm nhưng không hề khoan nhượng giữa các sinh viên với nhau. Tất cả đều được Law School khai thác, khiến mình như được sống lại thời sinh viên gian khổ.

Chuyện học hành căng thẳng khiến các sinh viên vốn là bạn bè thân thiết nhưng vô tình trở thành đối thủ. Đồng thời biến họ trở thành những “cỗ máy” vô cảm lạnh lùng. Ngay cả khi có vụ án giết người, giáo sư và bạn học trở thành nghi phạm, điều đó cũng không thể làm bầu không khí ở trường Han Kook trở nên khác đi. Họ vẫn cắm đầu vào học, vẫn đặt điểm số lên hàng đầu, thậm chí có những người còn mong điều tồi tệ sẽ đến với bạn mình, để bản thân bớt đi một đối thủ. Khắc nghiệt đến đáng sợ nhưng hoàn toàn thực tế, đó chính là cuộc sống sinh viên ở Law School.

Điểm cộng thứ 3: Mỗi người đều có câu chuyện của riêng mình

Trong Law School, mỗi nhân vật đều có câu chuyện của riêng mình và đây cũng chính là yếu tố được dùng làm “mồi nhử” qua mỗi tập. Cho đến thời điểm hiện tại, bộ phim mới chỉ hé lộ một vài chi tiết về “backstory” của các nhân vật chính trong phim. Muốn biết họ đã từng trải qua chuyện gì, có mối quan hệ như thế nào với nhau, khán giả phải kiên nhẫn theo dõi những diễn biến kế tiếp.

Cậu sinh viên tài năng Han Joon Hwi – cháu của giáo sư Seo Byung Joo sở hữu quá khứ đầy tổn thương. Niềm tin của cậu lại bị chính người chú mà cậu ngưỡng mộ xé nát. Kang Sol A là cô học sinh nghèo, học dở nhưng kiên cường, chính trực và nhiệt tình.

Kang Sol B lạnh lùng, kiêu ngạo với thành tích đáng nể, nhưng lại giống như “con rối” phải chịu áp lực và sự điều khiển từ người mẹ quyền quý. Giáo sư Yang “kinh dị” cũng bị người đồng nghiệp thân thiết phản bội lại niềm tin, và phải rời ngành công tố để làm giáo sư đại học.

Kang Sol B

Kang Sol B chăm chỉ học hành vì áp lực từ mẹ

Khi xem Law School, bạn sẽ cảm thấy tò mò về thân thế và câu chuyện của từng nhân vật. Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau. Cách phản ứng của họ đối với từng sự việc cũng mang nhiều khác biệt, thể hiện quan điểm sống lẫn lý tưởng của mỗi người. Điều này khiến trường luật Han Kook giống như một xã hội thu nhỏ được đem lên phim vậy.

Bên cạnh những nhân vật nghiêm túc, Law School còn có sự góp mặt của những nhân vật dễ thương như cô bé Kang Byeol hay thầy giáo Sung Dung Il ở phòng Photocopy. Bên cạnh những diễn biến căng thẳng, phim cũng không quên “điểm xuyết” một vài tình tiết đáng yêu và hài hước để gây cười. Dù không chú trọng đến yếu tố lãng mạn, nhưng chemistry giữa anh chàng học giỏi Joon Hwi và cô nàng học dở Kang Sol A cũng được nhiều khán giả mong đợi và tích cực đẩy thuyền. Đây chính là lý do mình cho rằng Law School có một xíu dễ thương đó.

Mối quan hệ này sẽ đi về đâu?

Mối quan hệ này sẽ đi về đâu? ^^

Điểm cộng thứ 4: Diễn viên gạo cội ổn áp, diễn viên trẻ đầy tiềm năng

Ngay từ khi công bố dàn diễn viên tham gia Law School, mình đã cảm thấy vô cùng yên tâm về mặt diễn xuất. Bởi phim có sự góp mặt của những diễn viên gạo cội như Kim Kyung Min – người sở hữu thần thái “rất gì và này nọ” đi kèm khả năng diễn xuất nội tâm qua biểu cảm khuôn mặt cực đỉnh, Lee Jung Eun – cô diễn viên nổi tiếng từ movie Ký Sinh Trùng đình đám hay Ahn Nae Sang – chú diễn viên chuyên đóng vai phụ, vừa mới góp mặt trong Mouse lẫn LUCA – The Beginning gần đây. Dạo này chú hay đóng mấy nhân vật nhìn tội tội, đáng thương nhưng dã tâm thâm hiểm lắm nhé.

Cô Lee Jung Eun không hề làm khán giả thất vọng

Cô Lee Jung Eun không hề làm khán giả thất vọng

Về dàn diễn viên trẻ mà thực ra cũng không trẻ lắm, Kim Bum và Ryo Hye Young sẽ khiến bạn cảm thấy ngạc nhiên trước khả năng “cưa sừng làm nghé” cực mượt của mình. Một người 89er, người còn lại 91er nhưng với khuôn mặt “lão hóa ngược”, hai anh chị vẫn không hề lệch tông khi hóa thân vào sinh viên đại học với những bạn diễn trẻ hơn.

Ngoài ra, Lee Soo Kyung và Go Yoon Jung cũng là những cái tên tiềm năng sáng giá. Lee Soo Kyung từng có màn chào sân ấn tượng bên điện ảnh, còn Go Yoon Jung cũng được đánh giá cao qua tác phẩm Sweet Home. Đặc biệt, không thể không nhắc đến cô bé diễn viên nhí Park So Yi nổi tiếng trong movie “Cục nợ hóa cục cưng” từng gây sốt năm ngoái. Trong Law School, cô bé vẫn đáng yêu như ngày nào đó nha.

Ryo Hye Young đã 30 nhưng vẫn trẻ trung như sinh viên thực thụ

Ryo Hye Young đã 30 nhưng vẫn trẻ trung như sinh viên thực thụ

Điểm cộng thứ 5: Sức hút của giáo sư Yang không đùa được đâu

Đây là một cảm nhận hoàn toàn mang tính chủ quan của mình, vì lỡ bị “hạ gục” rồi nên nhất định phải nhắc đến giáo sư Yang triết học trong một phần riêng biệt. ^^

Trong Law School, Kim Kyung Min vào vai giáo sư Yang Jong Hoon – người được các sinh viên gọi bằng biệt danh đầy yêu thương: giáo sư Yang “triết gia”. Bởi giáo sư Yang vừa nghiêm khắc, vừa lạnh lùng, vừa mang đến phương pháp dạy từ nhà hiền triết Socrates khiến hầu hết các sinh viên cảm thấy khiếp sợ.

Những câu hỏi bất ngờ và dồn dập, thách thức khả năng phản xạ của sinh viên. Những màn nhận xét thẳng thừng và gay gắt, sẵn sàng đuổi sinh viên nếu họ chưa chuẩn bị bài trước ở nhà. Chỉ cần vậy thôi, giáo sư Yang cũng dư sức làm “hung thần” trên giảng đường trường luật.

Nếu ngoài đời, chắc mình cũng sợ và ghét những giảng viên kiểu giáo sư Yang lắm, nhưng chẳng hiểu sao khi lên phim, mình lại thấy thầy Yang thu hút cực kỳ. Những bài giảng của giáo sư luôn đi vào trọng tâm, đòi hỏi sinh viên phải suy xét ở nhiều khía cạnh, kích thích học trò phải động não tư duy.

Bị thương thì vẫn đanh thép và đáng sợ vậy thôi

Bị thương thì vẫn đanh thép và đáng sợ vậy thôi

Dù luôn khiến những giờ học của mình căng thẳng đến nghẹt thở, khiến sinh viên sợ đến mức “táo bón”, nhưng thầy cũng chính là người đem tới những kiến thức hay ho và bổ ích nhất cho những sinh viên của mình. Luôn hành động vì công lý, lại biết cách bảo vệ những người yếu thế, trông lạnh lùng thế thôi, chứ giáo sư Yang hiền triết sở hữu trái tim ấm áp lắm đấy nhé.

Bên cạnh phong thái tự tin cùng khí chất “át vía” đối phương, giọng nói điềm tĩnh nhưng mang đầy uy lực của chú Kim Kyung Min trong vai giáo sư Yang cũng là yếu tố làm mình bị nhân vật này làm cho u mê không lối thoát. Cách nhả thoại rõ ràng đi kèm tông trầm “sexy” khiến giáo sư Yang giống như một diễn giả thực thụ mỗi khi giảng bài, chứ không phải là chỉ là một giảng viên thích làm màu nhưng chẳng có gì thu hút.

Thần thái này không đùa được đâu

Thần thái này không đùa được đâu

Kết:

Tất nhiên, Law School cũng chứa nhiều điểm trừ mà mình không hề phân tích trong bài review này. Chẳng hạn, một vài diễn biến trong các tập đầu hơi dài dòng, phim hiện tại vẫn thiếu một vài twist đắt giá để lôi kéo sự thu hút của khán giả, hay những nội dung chuyên ngành được đề cập với tốc độ chóng mặt, khiến người xem khó theo kịp. Thậm chí timeline trong phim cũng gây rối, khi các chi tiết ở hiện tại quá khứ liên tục được đan xen.

Cá nhân mình hy vọng giáo sư Yang, Han Joon Hwi và Kang Sol Ah sẽ là những người trong sạch và theo đuổi công lý đến cùng. Trong phim, ai là hung thủ, ai dính chàm mình đều có thể chấp nhận, trừ 3 người này. Bởi nếu họ là “người xấu”, dù cố tình hay vô ý, mình đều thấy sai sai. ^^

Law School không chỉ là một bộ phim trinh thám phá án đơn thuần, mà còn đề cập nhiều khía cạnh về luật pháp và thực thi công lý, cũng như phản ánh nhiều mặt trái trên cả giảng đường lẫn xã hội ngoài kia. “Sự thật và công lý chỉ dựa trên luật pháp” – đó chính là triết lý quan trọng nhất mà bộ phim đem lại. Đừng quên xem bộ phim này, nếu bạn yêu thích những gì liên quan đến luật và lẽ phải, nhé!

Share this

You may also like...