[Tổng hợp] 10 loại trà tốt nhất cho người bị hội chứng ruột kích thích (IBS)

Sau khi dạo quanh khắp mọi nơi, tìm hiểu đủ các nguồn thông tin từ Việt Nam cho đến nước ngoài, mình cũng tìm ra 10 loại trà tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích (IBS). Bản thân mình bị hội chứng này làm phiền thường xuyên, nên đã sớm trở thành “dân nghiền trà” từ lúc nào không hay. Thế nhưng, với người mắc IBS, không phải loại trà nào cũng uống được đâu nhé.

Đối với người bị hội chứng ruột kích thích, chế độ ăn uống và sinh hoạt chính là “chìa khóa vàng” để đẩy lùi các triệu chứng khó chịu. Kể từ khi được bác sĩ chẩn đoán mắc phải IBS (Irritable bowel syndrome – Hội chứng ruột kích thích), mình phải nói lời tạm biệt với nhiều món ăn khoái khẩu. Không còn ăn vặt lung tung, chẳng còn những lần uống cà phê hay coca vô tội vạ như trước. Thay vào đó, mình bắt đầu xây dựng một chế độ ăn sạch, khoa học và phù hợp với cơ địa của bản thân.

10 loại trà tốt nhất cho người bị hội chứng ruột kích thích

Trước kia, mình chẳng thích uống trà lắm, ngoài trừ trà sữa, trà đào, trà vải. ^^ Sau khi đọc bài blog của bạn The Hanoi Chamomile – chàng trai cũng gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa, mình bắt đầu tìm hiểu về trà hoa cúc. Loại trà này được bạn ấy giới thiệu trong một số bài viết. Đồng thời, đây cũng là cái tên blog siêu hot của bạn ý luôn. Từ đó, mình bắt đầu thử uống trà hoa cúc và dành thời gian tìm hiểu về những loại trà tốt cho người bị IBS.

Top 10 loại trà tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, 10 loại trà được đề cập sau đây chính là 10 loại trà tốt nhất cho người bị hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, cơ địa của mỗi người là khác nhau, nên chưa chắc bạn đã hợp với tất cả những cái tên trong danh sách này. Chẳng hạn sau khi thử một số loại trà, mình thấy bản thân chỉ hợp với trà bạc hà và trà hoa cúc, chứ không hợp với một số loại trà còn lại.

1. Trà hoa cúc (Chamomile Tea)

Trà hoa cúc

Trà hoa cúc

Mỗi lần nhắc tới trà hoa cúc, mình lại nhớ đến bạn Kira Nguyễn là chủ blog của The Hanoi Chamomile mình vừa nói ở trên. Đây là loại trà tốt cho người bị ruột kích thích đầu tiên mình sử dụng và cho đến thời điểm hiện tại, đây cũng là loại trà mình yêu thích nhất.

Từ lâu, trà hoa cúc đã được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến sức khỏe, làm đẹp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiêu hóa. Một báo cáo y tế năm 2010 cho thấy đặc tính chống viêm của loại trà này có thể làm dịu dạ dày, loại bỏ khí và giảm tình trạng co thắt liên quan đến rối loạn đường ruột.

Một nghiên cứu khác vào năm 2015 cũng chứng minh các triệu chứng của IBS đã giảm đáng kể trong thời gian người bệnh uống trà hoa cúc. Thậm chí, tác dụng này còn kéo dài đến vài tuần sau khi ngưng uống trà. Bản thân mình đã thử nghiệm và hoàn toàn “confirm” điều này nhé.

Với trà hoa cúc, bạn có thể uống trà túi lọc hoặc trà từ hoa khô đều được. Tuy nhiên mình nghĩ, uống trà hoa khô sẽ tốt hơn nhiều so với túi lọc đó.

2. Trà bạc hà (Peppermint tea)

Tra tot cho nguoi bi hoi chung ruot kich thich

Trà bạc hà

Thực ra mới đầu mình uống trà bạc hà không phải vì IBS, mà để tỉnh táo hơn khi làm việc vào buổi sáng. Ai ngờ đâu nhận được lợi ích “kép” từ loại trà thảo mộc này: vừa tỉnh ngủ, vừa không bị tình trạng sôi bụng – một triệu chứng điển hình của IBS làm phiền.

Giống như hoa cúc, bạc hà cũng thường được sử dụng để làm giảm các vấn đề liên quan đến hệ thống tiêu hóa, bao gồm cả hội chứng ruột kích thích. Loại thảo mộc này có thể giảm đau và chướng bụng, cũng như có thể làm dịu ruột để cải thiện tình trạng IBS khó chịu.

Cho đến nay, một số nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả của tinh dầu bạc hà trong điều trị hội chứng ruột kích thích. Một nghiên cứu khác cũng chứng minh bạc hà có thể làm giãn các mô tiêu hóa ở động vật. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở người về tác dụng của trà bạc hà vẫn còn khá hạn chế.

Với trà bạc hà, bạn có thể pha trực tiếp từ lá bạc hà được phơi khô, trà túi lọc hoặc dạng lỏng. Mặt khác, cho thêm một vài giọt tinh dầu bạc hà vào các loại trà thảo mộc cũng là một phương pháp được nhiều người lựa chọn. Mình hay uống trà bạc hà với mật ong và chanh. Không biết uống như vậy có tốt hơn không, nhưng mà ngon hơn là chắc chắn rồi. ^^

3. Trà nghệ (Turmeric tea)

Tra tot cho nguoi mac hoi chung ruot kich thich

Trà nghệ

Những ai bị đau dạ dày thì việc sử dụng củ nghệ chắc không còn xa lạ nữa nhỉ? Bên cạnh những công dụng tuyệt vời đối với các vấn đề liên quan đến bao tử, củ nghệ còn được đánh giá cao nhờ khả năng cải thiện các triệu chứng IBS một cách rõ rệt.

Cụ thể, một nghiên cứu năm 2004 cho thấy những người bị hội chứng ruột kích thích dùng tinh chất nghệ đã giảm đáng kể các triệu chứng bệnh. Chỉ trong 8 tuần uống chiết xuất từ loại củ này, họ đã giảm đau bụng và những khó chịu ở đường ruột.

Với trà nghệ, bạn có thể pha từ củ nghệ tươi hoặc bột nghệ nguyên chất. Ngoài ra, với những người bị IBS, việc bổ sung thêm nghệ như một loại gia vị trong các món ăn cũng là một cách điều trị bệnh hiệu quả.

4. Trà gừng (Ginger tea)

Tra tot cho nguoi mac hoi chung ruot kich thich

Trà gừng

Trà gừng là cái tên quen thuộc xuất hiện trong các bài thuốc dân gian của Trung Hoa. Loại trà này thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng rối loạn chức năng tiêu hóa. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất từ gừng giúp giảm viêm, thúc đẩy hoạt động của nhu động ruột. Đặc biệt, hợp chất phenolic có trong gừng sở hữu khả năng làm giảm co thắt dạ dày và tình trạng kích thích ruột phiền phức.

Song song đó, gừng còn hỗ trợ nhiều hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp hạn chế tình trạng táo bón do IBS, cũng như hỗ trợ ngăn chặn căn bệnh ung thư đại tràng nguy hiểm.

Với gừng, bạn có thể pha trà từ gừng tươi, gừng khô hoặc gừng túi lọc có sẵn. Để tăng thêm hương vị cho ly trà gừng của mình, bạn đừng quên cho thêm mật ong, chanh hoặc chính bột nghệ kể trên vào nhé!

5. Trà thì là (Fennel tea)

Tra tot cho nguoi mac IBS

Trà thì là

Nghe có vẻ lạ với những ai đang ở Việt Nam, nhưng trà thì là đã được sử dụng phổ biến ở phương Tây từ khá lâu. Đây là một loại trà tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích nhờ khả năng giảm khí, đầy hơi và co thắt ruột. Không chỉ vậy, thì là còn có tác dụng thư giãn các cơ ruột và giảm táo bón.

Năm 2016, các nhà khoa học đã làm một nghiên cứu về điều trị IBS bằng tinh dầu thì là kết hợp với curcumin (tinh chất có trong củ nghệ). Sau 30 ngày, hầu hết những người tham gia nghiên cứu để có kết quả khả quan. Tình trạng đau bụng và các triệu chứng khác của IBS đều được giảm đi đáng kể. Đồng thời, việc kết hợp thì là với bạc hà, ngải cứu cũng đem lại hiệu quả tương tự.

6. Trà hoa hồi (Anise tea)

Tra tot cho nguoi mac hoi chung ruot kich thich

Trà hoa hồi

Từ xa xưa, hoa hồi đã được ứng dụng trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh tiêu hóa cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác. Với tác dụng ổn định dạ dày, điều hòa đường ruột, bạn có thể sử dụng trà từ loài hoa này như một bài thuốc tiêu hóa hiệu quả.

Năm 2012, một số nhà khoa học đã làm nghiên cứu trên động vật để chỉ ra tác dụng của tinh chất hoa hồi trong việc làm thư giãn các cơ đường ruột. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy tiềm năng của trà hoa hồi trong việc điều trị táo bón. Khi kết hợp hoa hồi với một số loại thảo mộc khác, lợi ích nhuận tràng của loại thảo mộc này cũng đã được chứng minh. Tuy nhiên, đây chỉ là những nghiên cứu nhỏ với số lượng người tham gia không nhiều.

Ngoài ra, trà hoa hồi còn sở hữu đặc tính giảm đau và chống viêm. Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2016 cho thấy, những người bị IBS uống chiết xuất từ hoa hồi trong vòng 4 tuần đã giảm hẳn các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Với mùi hương dễ chịu cùng vị không quá khó uống, trà hoa hồi là một cái tên bạn không thể bỏ qua khi muốn cải thiện tình trạng IBS của mình.

7. Trà hoa oải hương (Lavender tea)

Tra tot cho nguoi mac IBS

Trà hoa oải hương

Bên cạnh vẻ đẹp quyến rũ khiến nhiều người ngất ngây hay mùi hương nồng nàn vốn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, hoa oải hương còn giúp thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, giúp người dùng có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Hàm lượng khoáng chất có trong loại trà thảo mộc này cải thiện khả năng hấp thu của đường ruột, giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Bên cạnh đó, trà hoa oải hương còn chứa chất chống co giật và chống co thắt. Với thành phần này, trà hoa oải hương giúp điều chỉnh chuyển động của ruột và hỗ trợ bạn giải quyết những cơn đau dạ dày dai dẳng.

Tuy nhiên, bạn lưu ý không nên uống trà hoa oải hương quá nhiều. Bởi khi đó, trà có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng da hay buồn nôn.

8. Trà bồ công anh (Dandelion tea)

Tra tot cho nguoi bi hoi chung ruot kich thich

Trà bồ công anh

Theo Tiến sĩ Ritika Samaddar, Trưởng khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Max Super Specialty, trà bồ công anh mang đến nhiều tác động tích cực đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Loại trà này giúp cải thiện sự thèm ăn và làm dịu các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa thường gặp.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Manoj K. Ahuja, Bệnh viện Fortis cũng bổ sung rằng theo nhiều nghiên cứu khác nhau, trà bồ công anh hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng cách kích thích và duy trì hoạt động thích hợp của mật. Loại trà với cái tên kiêu kì này hỗ trợ hấp thụ khoáng chất và làm dịu niêm mạc dạ dày

Đặc biệt, trà làm từ rễ cây bồ công anh được coi là một chất nhuận tràng tự nhiên, vừa giúp bạn tiêu hóa tốt thức ăn được nạp vào cơ thể, vừa giúp làm sạch ruột kết – một công đoạn của quá trình giải độc nói chung.

9. Trà cam thảo (Licorice tea)

Tra tot cho nguoi bi hoi chung ruot kich thich

Trà cam thảo

Cam thảo là loại thảo dược được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian khác nhau. Trong đó, trà cam thảo cũng được coi là một trong những loại trà tốt cho người mắc hội chứng ruột kích thích.

Cụ thể hơn, trà cam thảo có tác dụng làm mát, làm dịu hệ tiêu hóa và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Từ thời Hy Lạp cổ đại, người ta đã bắt đầu sử dụng rễ cây cam thảo như một phương thuốc tự nhiên trong việc điều trị những triệu chứng khó chịu về tiêu hóa, viêm loét dạ dày và trào ngược axit.

Bạn có thể sử dụng trà cam thảo vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, dùng riêng hoặc kết hợp với những loại thảo mộc khác đều được.

10. Trà tầm ma (Nettle tea)

Tra tot cho nguoi mac IBS

Trà tầm ma

Có thể bạn chưa từng nghe đến cái tên trà tầm ma. Thế nhưng, loại trà này vốn khá quen thuộc trong cộng đồng những người sử dụng trà giảm cân. Đối với người mắc IBS, trà tầm ma có thể ngăn ngừa tiêu chảy, hạn chế táo bón và các vấn đề liên quan đến dạ dày nhờ đặc tính chống viêm của mình.

Không chỉ vậy, trà tầm mà còn chứa hệ thống vi khuẩn và vi sinh (hệ vi sinh vật) tốt cho đường ruột, giúp bạn cải thiện các triệu chứng khó chịu thường gặp của hội chứng ruột kích thích.

Note nhỏ:

10 loại trà tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích kể trên không phù hợp với tất cả mọi người. Bởi một số loại trà như trà thì là, trà cam thảo, oải hương,… không tốt cho phụ nữ có thai, đang cho con bú. Trà bạc hà không tốt cho người bị tiểu đường, người bị trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, khi có ý định sử dụng bất cứ loại trà nào, bạn phải tìm hiểu kỹ tác dụng phụ lẫn đối tượng sử dụng của loại trà này.

Hiện nay, bạn có thể dễ dàng mua trà tại chợ, siêu thị lẫn một số cửa hàng online. Bản thân mình hay mua trà ở The Tea Stories – shop bán trà chất lượng, đóng gói đẹp và cẩn thận nhưng giá cũng tương đối mắc (khoảng 105k cho 1 lọ trà hoa cúc dùng được trong khoảng 30 ngày). Nếu muốn mua trà rẻ hơn, bạn có thể tham khảo thêm A Little Bit – nơi bán trà và mấy đồ dùng “sống xanh” nhỏ nhỏ xinh xinh. Cả 2 shop này đều ở Sài Gòn nhé!

Tra tot cho nguoi bi IBS

Mình hay mua trà ở The Tea Stories

Bài viết của mình có tham khảo thông tin từ trang https://www.healthline.com/Hy vọng những thông tin trong bài hữu ích với bạn. ^^

Share this

You may also like...

1 Response

  1. Duy viết:

    Thank you so much. Tôi rất recommend trà hoa cúc..với lượng vừa phải và hơi nhạt nước
    Ty!